Phân bón DAP và hiệu quả sử dụng trong nông nghiệp
Trong nông nghiệp, phân bón là thức ăn không thể thiếu đối với cây trồng. Nếu như các loại phân chuồng, phân lân,.. đã quá quen thuộc với bà con, thì phân DAP chưa chắc ai cũng biết đến. Vậy phân bón DAP là gì? Tác dụng của nó ra sao? Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu.
Phân bón DAP là gì?
DAP là chữ viết tắt của Di amon photphat, là loại phân vô cơ hỗn hợp và có giá thành khá cao so với các loại phân vô cơ khác . Phân hỗn hợp là các loại phân tạo được do quá trình trộn lẫn 2 hoặc nhiều loại phân đơn với nhau một cách cơ giới và đều đặn.
Phân bón DAP được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là quặng apatit Lào Cai – là vùng quặng phốt phát duy nhất tại Việt Nam có trữ lượng lớn và chất lượng vào loại hàng đầu thế giới. Vì vậy phân DAP của Việt Nam có nhiều thành phần vi lượng khác có lợi với cây trồng.
Phân DAP có 2 loại:
– DAP 18-46 tương ứng là 18% đạm (Nitơ) và 46% lân (P2O5)
– DAP 21-53 tương ứng là 21% đạm và 53% lân.
Những lợi ích khi sử dụng phân bón DAP trong nông nghiệp
1. Cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây trồng:
Trên thực tế, đối với các loại phân đơn, thành phần dinh dưỡng cao nhất là 46% N (urê), 16,5% P2O5 (supe lân). Trong khi đó, phân bón DAP có hàm lượng dinh dưỡng thấp nhất là 63% (45%P2O5 và 18%N). Với hàm lượng dinh dưỡng cao, sử dụng phân DAP tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên.
Đồng thời để sản xuất phân còn sử dụng nguồn nguyên liệu chính là quặng apatit Lào Cai. Đây là vùng quặng phốt phát duy nhất tại Việt Nam có trữ lượng lớn và chất lượng vào loại hàng đầu thế giới. Điều này góp phần góp phần tận thu quặng và giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường cho vùng mỏ apatit Lào Cai.
2. Tăng chất lượng nông sản, tăng năng suất cây trồng.
Do DAP cung cấp đầy đủ và cân đối khoáng chất cho cây trồng, đồng thời giúp cây trồng trao đổi chất tốt với môi trường. Nên giúp cây trồng tăng được năng suất và tăng chất lượng nông sản.
3. Chậm quá trình tan trong nước, tránh bị rửa trôi gây tổn thất:
Đối với quá trình sinh trưởng của cây trồng, phân DAP cung cấp 2 chất dinh dưỡng thiết yếu. Điều này giúp cây trồng tăng trưởng và phát triển nhanh. Mặt khác, phân bón DAP sản xuất tại Việt Nam có bổ sung một số khoáng chất làm chậm quá trình tan trong nước. Giúp cây trồng có thể hấp thụ tối đa dinh dưỡng, tránh bị rửa trôi gây tổn thất.
4. Phù hợp cho các loại cây trồng và các loại đất:
Nếu như phân đơn thông thường có tính kiềm hoặc tính axit thì phân DAP được hình thành trên cơ sở phản ứng trung hòa. Vì thế nó là trung tính tốt cho cây và không ảnh hưởng đến các loại đất. Phân có hàm lượng lân cao, cho nên sử dụng thích hợp cho các vùng đất phèn, đất bazan.
Có thể bón trực tiếp cho các loại cây từ cây lương thực như lúa ngô khoai sắn đên cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu… Phù hợp với cả cây ăn quả, cây cho hoa, cây lấy lá, cây cảnh… Bên cạnh đó, dinh dưỡng trong phân bón DAP tan trong nước, không có tạp chất gây chai cứng đất như các loại phân khác nên không ảnh hưởng đến đất trồng.
5. Hạn chế sâu bệnh:
DAP giàu thành phần P2O5 nên cây trồng tăng sức đề kháng với thời tiết, chịu rét tốt hơn. Đồng thời phân còn giúp cứng cây, tăng sức đề kháng, , hạn chế sâu bệnh, giúp cây phát triển lành mạnh về thể chất.
6. Sử dụng làm nguyên liệu cho phân bón hỗn hợp NPK:
DAP có hàm lượng dinh dưỡng cao nên DAP còn làm nguyên liệu cho sản xuất các loại NPK từ thấp đến cao tùy theo nhu cầu từng thời điểm của cây trồng. Bảo quản đúng quy định thì thời hạnh sử dụng kéo dài ít nhất 2 năm kể từ ngày sản xuất. Do hình thành bởi phản ứng trung hòa, quá trình tạo hạt được sàng phân loại và bổ sung chất chống kết khối nên ảnh hưởng của thời gian đến chất lượng sản phẩm gần như không có.
Nhược điểm của phân bón DAP
Mặc dù phân DAP có rất nhiều lợi ích nhưng nó có những nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất của DAP là giá thành cao. Lân tuy dễ tan nhưng cây không thể sử dụng hết một lần, lượng phân tan này có thể bị trôi theo nước, gây lãng phí.
Hướng dẫn sử dụng phân bón DAP
1. Đối với cây khoai tây
Lượng phân bón DAP dành cho 1 sào:
+ Phân chuồng hoặc phân vi sinh: 600 - 700 kg
+ Đạm: 6 - 8 kg
+ DAP Lào Cai: 10 - 12 kg
+ Kali: 7 - 9 kg
Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng và phân DAP Lào Cai, 3-4kg đạm.
+ Bón thúc: Bón toàn bộ lượng đạm còn lại và 7-9kg kali.
2. Đối với các loại rau màu khác
Lượng phân bón DAP dành cho 1 sào:
+ Phân chuồng hoặc phân vi sinh: 15 - 20 kg
+ Đạm: 8 - 10 kg
+ DAP Lào Cai: 7 - 7,5 kg
+ Kali: 7 - 8 kg
Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân vi sinh + DAP Lào Cai (bón trộn đều vào đất trước khi trồng 3 – 4 ngày).
+ Bón thúc lần 1 khi cây mọc cao 5-6cm: 1-2kg urê+1-2kg kali
+ Bón thúc lần 2 sau lần 1 từ 15 -20 ngày: 4-5kg urê+1-2kg kali.
+ Bón thúc lần 3 sau lần 2 từ 15 – 20 ngày bón hết lượng phân còn lại